The Beatles năm 1962 Love_Me_Do

Bản thu đầu tiên với harmonica

Ngày 4 tháng 9 năm 1962, Brian Epstein đứng ra trả tiền cho ban nhạc để đưa tay trống mới, Ringo Starr, bay từ Liverpool tới London[13]. Sau khi đặt phòng ở khách sạn Chelsea, họ cùng nhau tới phòng thu của EMI vào đầu buổi chiều, và họ cùng tới phòng thu số 3 để cùng nhau nghe 6 ca khúc trong đó có "Please Please Me", "Love Me Do" và ca khúc "How Do You Do It?" sáng tác bởi Mitch Murray mà nhà sản xuất George Martin "đã nhấn mạnh, rằng nếu không phải là đòi hỏi một sản phẩm tự tay ban nhạc làm, thì đó hẳn đã là đĩa đơn đầu tiên của nhóm"[14][15]. Cách viết nhạc của Lennon và McCartney thì chưa thể gây ấn tượng với Martin, và ông buộc The Beatles ký hợp đồng với Hiệp hội nghệ sĩ thu âm của Anh: "Đó không phải là vấn đề nhằm muốn xem họ có thể làm gì, tôi chỉ muốn xem họ lại có làm việc thật sự tốt trong một khoảng thời gian"[16] "Điều ấn tượng nhất với tôi về họ chính là tính cách. Hẳn là bạn sẽ phải chết đứng khi nói chuyện với họ."[17] Trong suốt quãng thời gian của buổi thu (từ 7h tới 10h tối tại phòng thu số 2), họ chỉ thu âm được "How Do You Do It" và "Love Me Do". Cho dù "Please Please Me" đã được hoàn thiện, song cách chơi ca khúc này lại khác so với quan điểm chung nên Martin đã loại bỏ bản thu đó. Điều này gây thất vọng lớn cho ban nhạc vì họ đã hi vọng đây sẽ là mặt B của đĩa đơn "Love Me Do"[18].

The Beatles có nguyện vọng thực hiện toàn bộ album bằng các sáng tác của mình, có nghĩa là với các ca khúc chưa từng được nghe, và nhìn chung điều đó đã được George Martin chấp nhận. Song Martin cũng nhấn mạnh rằng ít nhất họ nên viết vài bài mang tính thị trường như kiểu "How Do You Do It?" thì Tin Pan Alley mới có thể bắt đầu để ý tới họ[14]. MacDonald nhận xét: "Dù sao, gần như chắc chắn rằng không có một nhà sản xuất nào phía bên kia Đại Tây Dương lại có thể dìu dắt The Beatles mà không làm tổn thương họ – chưa cần nói tới việc đã nâng tầm văn hóa và trau dồi cho họ bằng sự ân cần, mở mang trí tuệ còn chưa được khai sáng – mà với cách đó George Martin luôn được tôn trọng trong làng nhạc pop Anh". Martin luôn phủ nhận việc cho rằng ông là "thiên tài" phía sau ban nhạc: "Tôi chỉ có vai trò diễn đạt. Họ mới là những thiên tài: chẳng ai dám nghi ngờ điều đó."[19]

Sau buổi thu ngày 4 tháng 9, theo lời kể của McCartney, Martin đã gợi ý sử dụng harmonica. Tuy nhiên, phần chơi harmonica của Lennon đã có mặt từ ngày 6 tháng 6 với bản thu cùng Andy White mà ta có thể nghe trong album Anthology 1[20]. Martin thì lại nói những điều khác: "Tôi chọn "Love Me Do" vì tôi rất thích tiếng harmonica", và thêm vào đó: "Tôi thích tiếng luyến láy của harmonica ở đây – nó làm tôi nhớ tới cách tôi đã thu âm theo Sonny TerryBrownie McGhee. Cảm giác đó vô cùng rõ ràng."[21] Terry và McGhee là những người ảnh hưởng rất lớn tới Bob Dylan, người sau đó có ảnh hưởng rất lớn tới The Beatles[22].

Lennon biết chơi harmonica sau khi dượng George (chồng quá cố của dì Mimi – giám hộ của Lennon) tặng cậu khi còn nhỏ. Nhưng chiếc harmonica mà anh dùng trong buổi thu này lại là thứ mà anh ăn cắp trong một cửa hàng nhạc tại Arnhem, Hà Lan vào năm 1960, trên đường tới Hamburg lưu diễn của The Beatles[23][21][24]. Lennon cũng dùng nó trong buổi thu ngày 6 tháng 6 ca khúc của Bruce Channel "Hey Baby" với phần harmonica mở đầu. Ca khúc này trở thành hit tại Anh vào tháng 3 năm 1962, và là một trong số 30 ca khúc mà The Beatles đã chuẩn bị (chỉ có 4 được thu dịp đó, đó là "Bésame Mucho", "Love Me Do", "P.S. I Love You" và "Ask Me Why"; thực tế chỉ có "Bésame Mucho" và "Love Me Do" là không bị xóa và xuất hiện sau này trong Anthology 1). Brian Epstein cũng nhắm trước cho Bruce Channel một vị trí trong hãng NEMS trong dịp quảng bá tại Tower Ballroom ở New Brighton, Wallasey, ngày 21 tháng 6 năm 1962, chỉ vài tuần sau khi "Hey Baby" được xếp hạng, và từ đó hứa hẹn một vị trí thứ yếu cho The Beatles. Lennon bị ấn tượng mạnh bởi nghệ sĩ thổi harmonica của Channel, Delbert McClinton[25], và vì thế anh đã chủ động bắt chuyện để tìm hiểu thêm về cách chơi nhạc cụ này[26]. Lennon cũng bị ảnh hưởng bởi cách chơi của Frank Ifield trong "I Remember You" – ca khúc hit tại Anh vào tháng 7 năm 1962 – đặc biệt là đoạn vào bằng harmonica. Anh nói: "Thứ cần giải quyết đó chính là chiếc harmonica. Có một ca khúc kinh hoàng có tên "I Remember You" mà từ đó chúng tôi đều hiểu cách dùng nó. Chúng tôi bắt đầu với "Love Me Do" trước tiên là phần hòa âm."[27] Harmonica trở thành nhạc cụ quan trọng trong thời kỳ đầu của The Beatles với "Love Me Do", "Please Please Me" hay "From Me to You" và nhiều ca khúc khác nữa. Paul nhớ lại: "John có vẻ thích vào tù vào một ngày nào đó, và có lẽ anh ấy nên trở thành một kẻ thổi harmonica"[4].

Martin đã suýt thành công khi đề đạt ca khúc "How Do You Do It?" trở thành đĩa đơn đầu tay của The Beatles (sau này nó cũng xuất hiện như một phần của đĩa đơn thứ hai của họ)[28], trước khi bị buộc phải đổi ý sử dụng "Love Me Do" bởi vì ca khúc này lúc đó đã hoàn thiện phần chỉnh âm và có trong lưu trữ của hãng EMI[14]. Martin nói: "Tôi đã rất mong đó là "How Do You Do It?", song cuối cùng đành phải chọn "Love Me Do". Với tôi đó chỉ là một ca khúc khá tốt."[14] McCartney nhấn mạnh: "Chúng tôi biết rằng áp lực từ những gã đồng nghiệp ở Liverpool sẽ không cho phép chúng tôi chọn "How Do You Do It?"."[29]

Sự góp mặt của Andy White

Martin quyết định rằng nếu "Love Me Do" là đĩa đơn đầu tay của nhóm thì buộc họ phải cùng thu âm lại vì ông không thích cách chơi trống trong buổi thu ngày 4 tháng 9[30] (Ken Townsend sau này có nói rằng McCartney cảm thấy không hài lòng với cách vào nhịp của Starr, có thể vì do anh có quá ít thời gian để nghe và cảm nhận ca khúc[31]). Nhà sản xuất muốn tiếng trống phải "tương tác" với bass nhưng không được quá khác với nhịp của R&B vốn vào từ đầu ca khúc. Ron Richards, phụ trách chính buổi thu ngày 11 tháng 9 vì Martin vắng mặt, đã chọn Andy White, một người quen cũ của ông. Starr bị từ chối chơi tiếp và tỏ ra rất thất vọng khi bị tạm sa thải chỉ sau 2 buổi thu cùng The Beatles. Richards nhớ lại: "Cậu ấy ngồi im lặng ở chỗ máy chỉnh âm cạnh tôi. Vậy nên tôi hỏi cậu ấy có thể chơi maraca trong "P.S. I Love You" không. Ringo thật dễ mến."[30] Starr cũng nói: "Ông ấy đã xin lỗi tôi rất nhiều lần, cái ông già George đó, nhưng điều đó khiến tôi buồn lắm – và tôi đã ghét gã gian dối đó suốt nhiều năm; dù sao tôi vẫn chưa nện cho lão một trận!"[32] "Love Me Do" cuối cùng được thu với White chơi trống và Starr chơi sắc-xô, tuy nhiên, thấy việc sử dụng các tay trống tạm thời như vậy rõ ràng không hiệu quả, kỹ thuật viên Norman Smith nhận xét: "Thật quá đau đầu để tạo ra được một tiếng trống hay, giờ khi bạn nghe bản thu bạn đã thấy một tiếng trống tốt thế nào rồi đấy."[33] Bản thu trống của Starr đã được sửa theo kiểu "bottom-light" để làm giảm bớt tiếng trống kick của anh[34].

Bản thu cho đĩa đơn phát hành là bản ngày 4 tháng 9 với Starr chơi trống. Tuy nhiên sau đó, bản chính thức trong album Please Please Me lại là bản thu ngày 11 với White chơi trống và Starr chơi sắc-xô. Sự khác biệt cơ bản này tạo nên sự phân biệt dễ dàng cho hai bản thu của "Love Me Do". Quan sát toàn bộ quá trình thu và chỉnh âm với quá nhiều lần phải thực hiện lại, Ron Richards than phiền đó là một công việc khá vất vả: "Thành thật mà nói tôi cảm thấy phát ốm sau mỗi lần thời gian trôi đi như vậy. Tôi chả dám nghĩ rằng nó có thể thành ra được một thứ gì đó không nữa."[35]

Ron Richards hay George Martin?

Có nhiều lời dẫn rất khác nhau về buổi thu cùng White và người quản lý buổi thu đó. Trong cuốn Summer of Love của mình, George Martin nói một điều khác hẳn với những tài liệu khác: "Ngày 6 tháng 6, qua buổi thu với Beatles, tôi nhận thấy Best không còn thích hợp (và tôi ra nói với Epstein) "Tôi không quan tâm anh định làm gì với Pete Best"; và sau đó anh ta không còn chơi cho ban nhạc nữa, vậy là tôi mang tới một tay trống tạm thời."[36] Khi Starr tới thu âm lần đầu với ban nhạc vào ngày 4 tháng 9, Martin nói ông hoàn toàn bất ngờ trước việc The Beatles đã sa thải Best, không rõ Starr liệu "tốt hơn, tệ hơn hay cũng như thế" và vì thế không hề sẵn sàng với việc phải "tốn thời gian quý báu ở phòng thu để tìm hiểu"[36]. Dĩ nhiên, Martin cũng từng có mặt trong một buổi thu có Andy White, song đó không phải là ngày 11 tháng 9. Tất cả những điều trên đều trái ngược hoàn toàn với ghi chép của Mark Lewisohn trong cuốn sách The Complete Beatles Recording Sessions, khi ông nói rằng Starr đã chơi trống vào ngày mùng 4[14] và White thực tế tới chơi lại ca khúc này vào ngày 11[30]. Lewisohn cũng nói rằng Richards mới là người phụ trách buổi thu âm ngày 11 đó, điều đó có nghĩa là Richards thực tế là nhà sản xuất của riêng ca khúc "Love Me Do". Martin sau này nói: "Trí nhớ của tôi nói rằng tôi không thu với The Beatles vào ngày 11, tôi chỉ gặp họ vào buổi thu ngày mùng 4"[36]. Tuy nhiên, nếu coi những gì Lewisohn viết là hợp lý và chính xác và "buổi thu ngày 4 chỉ là để làm hài lòng Martin"[30], thì có vẻ rất khó hiểu nếu như Martin lại không có mặt ở phòng thu trong buổi thu âm lại ca khúc này vào ngày 11.

Geoff Emerick cũng ủng hộ những ghi chép của Lewisohn khi cho rằng Starr chơi trống trong buổi thu ngày 4 tháng 9 (ngày thứ 2 Emerick làm việc ở EMI) và cả Martin, Smith lẫn McCartney đều không hài lòng với cách vào nhịp của Starr (sau khi nghe lại)[37]. Emerick khẳng định sự có mặt của White trong buổi thu sau đó kèm với đó là việc miêu tả phản ứng của Mal Evans và Starr khi hay tin[38]. Emerick cũng nhớ rằng Martin chỉ tới rất muộn vào ngày 11 tháng 9, sau khi mọi công việc với "Love Me Do" đã được cơ bản hoàn tất[38].

Andy White sau này có nói anh được mời tới buổi thu ngày 11 bởi Ron Richards chứ không phải George Martin, người mà anh kể lại đã "không thể thực hiện buổi thu, chỉ có thể tới vào lúc cuối và vì vậy Richards là người quản lý toàn bộ". White cũng nói rằng anh nhận ra tiếng trống mình chơi qua bản phát hành chính thức của "Please Please Me" mà anh đã chơi toàn bộ buổi thu đó[39].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Love_Me_Do http://www.math.mcgill.ca/rags/music/beatcan.html http://www.allmusic.com/album/30-big-hits-from-the... http://www.allmusic.com/album/beatles-mw0000745094 http://www.allmusic.com/album/keyboard-kaleidoscop... http://www.allmusic.com/album/reviewing-the-situat... http://www.allmusic.com/album/sleepytown-mw0000092... http://www.allmusic.com/album/the-persuasions-sing... http://www.allmusic.com/album/this-day-is-forever-... http://www.allmusic.com/album/vertical-man-mw00000... http://www.allmusic.com/artist/the-beatles-mn00007...